Thế nào thực sự là "Dâm"? Đã có lúc, mà đúng hơn, vẫn luôn có những người, mang trong mình những tư tưởng nghi kị, xa lánh từ "Dâm". Nhưng, kẻ nào gọi ái tình trong sạch, đẹp xinh mà bỏ ngoài chữ dâm thì chỉ là kẻ mơ mộng hão huyền.
Như Vũ Trọng Phụng đã từng nói: "Nói hay im, bảo nhau biết điều hòa cái dâm để tô điểm cuộc đời, hay là cứ mặc quách để cái dâm của loài người làm loạn loài người - ấy chỉ do đó mà ra sự thịnh, suy của nòi giống."
Ông từng kể một câu chuyện về nghề làm đĩ từ gần một trăm năm trước mang tên “Làm đĩ”, tô vẽ lên con đường của nhân vật Huyền, từ "Cô nữ sinh xinh đẹp, ngoan, đứng đắn, con nhà lương thiện - con một ông phán, cháu một ông Đốc-tờ" cho đến một “gái nhảy” rồi một “con điếm của phố làng chơi”.
Sinh ra trong một gia đình có cha làm việc cho Tây nhưng lại cực kỳ hủ bại, từ nhỏ Huyền đã luôn bị người lớn lảng tránh và nạt nộ khi cô bé thắc mắc về những vấn đề giới tính. Thứ cô tiếp thu được chỉ là lời nói bậy bạ, thô tục của kẻ ăn, người ở trong nhà và những bài "tự học" của đám trẻ thơ. Sự tò mò ấy làm bùng lên nỗi ngây khao ở người thiếu nữ mới chớm bước vào tuổi dậy thì. Để rồi một ngày, cô ngã vào vòng tay Lưu - một người anh họ xa đang trọ học tại nhà - trong cái đêm mất ngủ vì âm thanh "sự thị uy của ái tình" giữa cha và vợ bé chỉ cách giường cô một bức vách. Mối tình vụng dại kết thúc bi thảm hệt như những bộ phim lãng mạn thời bấy giờ. Lưu tự tử chết, Huyền bị ép gả cho Kim. Kim mắc bệnh giang mai do thói ăn chơi bừa bãi của giới thượng lưu nên chỉ có thể quấy rầy vợ bằng "cách nửa đời nửa đoạn". Vì tiền, Kim đem vợ ra làm mồi nhử Tân, một "đại gia" đào hoa, giàu có.
Từ chỗ e ngại, Huyền và Tân đã trở thành đôi "gian phu dâm phụ" lúc nào không hay. Kim lật lọng, bắt Huyền thú tội và từ đó "giáng" cô xuống thân phận tôi đòi. Huyền tìm đến Tân nhưng chỉ nhận được lời giả dối của kẻ "cho mục đích của ái tình không phải là hôn sự". Ít lâu sau, biết Tân - kẻ đạo đức giả đang được cả xã hội tung hô - chấm thi hoa hậu ở Sài Gòn, Huyền bỏ nhà vào tìm Tân để quyết giết chết kẻ phụ tình. Không tìm được Tân, tiền cạn, bước đường cùng khiến Huyền bắt đầu cuộc đời trụy lạc.
Tác phẩm gây ra cho người đọc sự đau xót cho số phận của Huyền, khiến ta phẫn nộ người chồng đồi bại và người tình vô đạo đức, hai kẻ đã trực tiếp đẩy cô vào sự sa đọa, tanh hôi của cái nghề "Buôn phấn bán hương". Nhưng như các tác phẩm khác của mình, Vũ Trọng Phụng cho ta thấy sự tha hóa của một con người phải ở dưới phần mục rũa của xã hội và người đẩy cô xuống đáy không ai khác, lại chính là gia đình. Đó là người mẹ nói sinh ra cô bằng "nách", là người cha không bao giờ cho cô biết về giới tính, nam-nữ, tiêm cho cô khái niệm về một gái ngoan, về sự hư hỏng! Chính những kiến thức sai lầm, không rõ ràng từ thời trẻ thơ ấy, đã đẩy nhân vật Huyền vào con đường truỵ lạc. Bởi chính cô cũng chưa thực sự hiểu được tác hại nghiêm trọng của những gì mà mình, mà đời gây ra. Từ đó, dấy lên tính bức thiết về GIÁO DỤC GIỚI TÍNH cho trẻ em.
Trích nguyên từ tác phẩm:
“Người lớn không bao giờ giảng dạy những điều mà trẻ em tuổi dậy thì cần biết. Người ta bao phủ chung quanh vấn đề nam nữ giao hợp và cái cơ thể học về sinh thực khí bằng sự im lặng đáng gọi là thiêng liêng! Ở nhà trường những bảng vẽ các cơ thể của loài người đã cắt nghĩa tỉ mỉ về con mắt, khối óc, trái tim, cái xương, cái vai, cái ruột non, cái dạ dày nhưng tịch không đả động đến bộ phận sinh dục là những cơ quan cần thiết nhất, nó làm cho loài người không bị tiêu diệt, nó cấu tạo ra những vị anh hùng, liệt nữ của nhân loại, nó chủ trương, chi phối, an bài tất cả mọi việc của thế gian."
Tại Việt Nam hiện nay, tuy chưa có số liệu thống kê đầy đủ, nhưng ta có thể tổng hợp lại như sau: Theo Bộ Công An, gần 6200 vụ xâm hại tình dục trẻ em trong giai đoạn 2011-2015 và 645 vụ 6 tháng đầu năm 2016, trong năm 2018 là 1500 vụ, con số thực tế chắc chắn sẽ còn lớn hơn rất nhiều. 97% số vụ xâm hại đều được thực hiện bởi những người quen biết của nạn nhân! Những hậu quả đáng tiếc và đau lòng ấy xảy ra, một phần do người lớn vẫn chưa trang bị cho trẻ vốn kiến thức đầy đủ về giới tính, những biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa và bảo vệ bản thân trước các tình huống nêu trên.
Từ đó, cho ta thấy rõ tính cấp thiết của việc GDGT trong xã hội hiện nay quan trọng đến nhường nào, khi đó chính là bảo vệ một thế hệ, một tương lai của đất nước sau này‼️
Comments